Nếu bạn đã biết đến 2 thương hiệu đình đám của Đan Mạch là Raidho và Scansonic có lẽ không còn xa lạ với cái tên Michael Borresen, ông nguyên là kỹ sư thiết kế nên những dòng loa này. Hiện nay, ông đang tự phát triển thương hiệu loa mang tên của mình, cùng với cộng sự Lars Kristensen đồng sở hữu ba thương hiệu là loa Borresen Acoustics, amply Aavik Acoustics và phụ kiện Ansuz Acoustics.
Các thương hiệu đến từ Đan Mạch luôn rất nổi bật trong lĩnh vực âm thanh cao cấp. Thế nhưng có một cuộc cách mạng đổi mới đã đưa ba cái tên Borresen, Ansuz và Aavik lên vị trí hàng đầu trong thế giới âm thanh, 3 thương hiệu này thuộc Audio Group Denmark. Audio Group Denmark đang nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. Họ không ngừng đổi mới và sáng tạo sản phẩm để đóng góp cho nền công nghiệp âm thanh của thế giới. Nhiều thiết kế của Borresen đã lên tới mức độ chưa từng có. Borresen cùng Ansuz và Aavik đang muốn thiết lập nên một định nghĩa mới về âm thanh cao cấp.
Michael Borresen và Lars Kristensen đã rất thành công với thương hiệu loa Raidho. Khi Lars Kristensen chọn Nordost là hướng đi chính cho mình thì Borresen cũng đi vào thực hiện những bước đi cho riêng mình đó là phát triển ba dòng thương hiệu: Borresen, Asus và Aavik. Tất cả đều đã rất thành công và vẫn không ngừng phát triển mỗi ngày.
Triết lý của Borresen là nghiên cứu và phát triển những công nghệ chưa từng có trong ngành công nghiệp chế tác loa. Michael Borresen đã tạo ra những củ loa có độ cảm ứng thấp, từ đó tốc độ cao hơn nhiều mà không có độ trễ. Điều này quyết định đến hiệu suất tổng thể của loa, âm thanh trở nên tinh tế và chi tiết hơn rất nhiều. Các củ loa cảm ứng thấp của Borresen tạo ra âm trầm rất sâu và rõ, âm thanh tập trung và trong suốt hơn với độ tinh chỉnh và chi tiết cao hơn. Michael cũng thiết kế một loa tweeter với khối lượng siêu nhẹ chỉ 0,01 gam, không giới hạn về tần số. Chỉ riêng những đổi mới này đã là một bước nhảy vọt về công nghệ lượng tử trong ngành công nghệ loa mà chưa từng xuất hiện.
Tất cả các công nghệ được cấp bằng sáng chế của hãng loa Borresen đều nhằm mục đích đạt được sự thuần khiết và chân thực tuyệt đối trong âm nhạc. Họ bám sát vào những nhược điểm còn tồn tại trong bộ dàn âm thanh về điện tử và cơ học sau đó khắc phục triệt để chúng.
Đầu tiên là về màng loa. Kết cấu bao gồm hai lớp màng bằng sợi carbon rất mỏng, ở giữa là lõi bằng vật liệu Nomex dạng tổ ong. Cấu trúc tương tự cũng được sử dụng trong vỏ xe đua công thức 1 vì sở hữu độ cứng tuyệt vời trên khối lượng rất nhỏ. Cả màng loa chỉ dày 4mm và nặng 5.5g. Ông Borresen cho rằng trọng lượng màng loa là cực kỳ quan trọng, trọng lượng nhỏ giúp tốc độ và gia tốc của màng lớn, từ đó âm thanh có tốc độ nhanh và độ chi tiết rất tốt. Ban đầu họ định sử dụng màng ribbon chỉ nặng 0.01g cho cả loa bass. Tuy nhiên, cách này không phù hợp nên cuối cùng họ đã chọn màng carbon như hiện nay.
Thứ hai là cải tiến về hệ thống khung củ loa. Từ trước đến nay, người ta vẫn gắn nam châm củ loa bằng khung sắt và nó xuất hiện một số nhược điểm. Khung sắt bị nhiễm từ tạo ra những vị trí biến dạng từ trường khác nhau, khi cuộn dây di chuyển trong đó, thông số bị thay đổi tạo ra âm thanh có nhiều sai lệch. Borresen muốn cải thiện nhược điểm này nên đã sử dụng khung bằng đồng để thay thế cho sắt vì đồng không bị nhiễm từ. Từ đó âm thanh tạo ra rất chính xác và chân thực. Ngoài ra đồng còn đóng vai trò như tấm tản nhiệt giúp cho củ loa chơi được với công suất lớn.
Khung đồng cũng làm giảm độ tự cảm của cuộn dây xuống rất thấp, chỉ bằng 1/10 so với củ loa thông thường. Độ tự cảm thấp giúp cuộn dây di chuyển nhanh hơn, giảm độ trễ, giảm lệch pha và giảm cộng hưởng hệ thống. Âm thanh vì vậy có tốc độ nhanh và cực kỳ chi tiết, không quá sôi động mà ngược lại có sự mộc mạc, tự nhiên. Âm bass sâu, chắc chắn và chân thực hơn.
Thứ ba là cải tiến về nam châm. Borresen sử dụng nam châm Neodymium, loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất hiện nay và có giá thành không hề rẻ. Trong củ loa là 4 khối nam châm neodymium đối nghịch gắn bên trong bộ khung bằng đồng. Tổng khối nam châm được sử dụng trong củ loa này có từ thông là 1,1 Tesla, mạnh tương đương với một khối nam châm Ferrite to bằng cái bánh xe ô tô con.
Một cải tiến rất hay nữa là khối nam châm không liền cả tấm mà có một lỗ hổng ở chính giữa. Khi hoạt động, màng loa di chuyển ra vào liên tục với tốc độ nhanh, không khí nếu bị bí bên trong sẽ làm cản trở chuyển động này, giống như chiếc xe bị bó phanh. Lỗ hổng mà Borresen thiết kế thêm khiến không khí ra vào thoải mái, màng loa di chuyển dễ dàng với tốc độ và gia tốc nhanh hơn.